CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
KẾ HOẠCH
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
PHÒNG GD&ĐT PHONG ĐIỀN TRƯỜNG TH&THCS LÊ VĂN MIẾN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: /KH-TH&THCS LVM |
Phong Thu, ngày 15 tháng 9 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Trường TH&THCS Lê Văn Miến đóng chân trên địa bàn xã Phong Thu, dọc Quốc lộ 1A, về phía Bắc của huyện Phong Điền. Trường được thành lập từ ngày 01/9/2019 theo QĐ số 2449 của UBND huyện ngày 28 tháng 8 năm 2019 sau khi được sáp nhập từ trường THCS Lê Văn Miến và trường Tiểu học Phong Thu.
Nhà trường có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu giáo dục ở bậc Tiểu học và THCS cho con em nhân dân xã Phong Thu, cùng với các trường bạn trong địa bàn thực hiện nhiệm vụ phổ cập Tiểu học, THCS và phát triển giáo dục toàn diện.
Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, trường TH&THCS Lê Văn Miến đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần phát triển giáo dục nâng cao trình độ dân trí của địa phương. Đội ngũ giáo viên không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ đào tạo và tay nghề, số giáo viên giỏi, học sinh giỏi các cấp luôn đạt, tỷ lệ học sinh lên lớp, hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS với tỉ lệ cao.
Cơ sở vật chất - kỹ thuật đang từng bước xây dựng, trang cấp để đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2021. Với những cố gắng đó, nhiều năm liên tục nhà trường đạt danh hiệu trường tiên tiến; Công đoàn nhà trường, Đoàn thanh niên cộng sản HCM, Liên đội TNTP HCM là những tổ chức luôn luôn đạt vững mạnh xuất sắc được các cấp khen tặng, Chi bộ nhà trường liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Hiện nay, nhà trường vẫn đang từng bước tiếp tục vươn lên để khẳng định vị thế của mình trong ngành giáo dục huyện: 01 ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, phát triển toàn diện, là địa chỉ tin cậy của nhân dân địa phương và học sinh.
Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến 2030, nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển. Là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của Ban giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược phát triển của trường TH&THCS Lê Văn Miến là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết của trung ương Đảng, của chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng các trường trong huyện, tỉnh xây dựng ngành giáo dục địa phương ngày càng phát triển theo hướng “Kỷ cương, chất lượng, nhân văn và phổ cập”, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của khu vực và của cả nước, sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025 theo NQ của Bộ Chính trị.
I. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
- Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 19/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025;
- Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2017 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;
- Căn cứ Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Điều lệ trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
- Căn cứ Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 21/9/2018 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành quy định kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
- Căn cứ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phong Thu lần thứ XIII, nhiệm kì 2020 - 2025, ngày 09/05/2020;
- Căn cứ báo cáo số 22/BC-PGDĐT ngày 23/3/2019 của Phòng GD&ĐT Phong Điền về báo cáo tổng kết giai đoạn 2016 – 2018 và phương hướng công tác KĐCLGD giai đoạn 2018 – 2025;
II. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG
1. Đặc điểm tình hình chung
1.1. Môi trường bên trong:
1.1.1 Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên:
- Số lượng (Tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2020): 47
+ Trong đó: Ban giám hiệu: 03; Giáo viên: 35; Nhân viên: 08; TPT: 01
- Chất lượng đào tạo:
+ Giáo viên: 85,1% đạt chuẩn đào tạo
+ Nhân viên: Đại học: 03; Cao đẳng 02; Trung cấp: 01; Khác: 02 (Bảo vệ).
- Giáo viên dạy giỏi các cấp:
+ Cấp trường: 20; cấp huyện: 06; cấp tỉnh: 0
- CBGVNV là Đảng viên: 26
1.1.2. Học sinh:
- Tuyển sinh vào lớp 6: Luôn đảm bảo đạt 100%
- Hiện tại toàn trường có 388 học sinh.
- Biên chế thành 16 lớp trong đó:
+ Khối 1: 38 học sinh/2 lớp
+ Khối 2: 61 học sinh/2 lớp
+ Khối 3: 51 học sinh/2 lớp
+ Khối 4: 46 học sinh/2 lớp
+ Khối 5: 40 học sinh/2 lớp
+ Khối 6: 51 học sinh/ 2 lớp
+ Khối 7: 48 học sinh/ 2 lớp
+ Khối 8: 30 học sinh/ 1 lớp
+ Khối 9: 22 học sinh/ 1 lớp
- Toàn trường bình quân 24,3 học sinh/ lớp.
Công tác phổ cập THCS và phổ cập giáo dục Trung học:
- Phổ cập giáo dục TH&THCS đạt mức độ 3
1.1.3. Điểm mạnh:
- Công tác quản lý của Ban giám hiệu: Có trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý, lòng nhiệt tình, tâm huyết sự nghiệp giáo dục, có tầm nhìn, phương pháp làm việc năng động, khoa học, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng và đạt hiệu quả cao. Công tác tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá sâu sát, thực chất và đổi mới. Tham mưu tốt với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của ngành giáo dục, Ban đại diện Cha mẹ học sinh trong công tác xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Luôn gương mẫu trong việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết Trung ương Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ và được sự tin tưởng của cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và nhân dân địa phương.
- Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên: Được cơ cấu đầy đủ, đồng bộ theo quy định của Bộ giáo dục đào tạo; Có trình độ đào tạo đạt chuẩn, có nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm khá tốt, đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới giáo dục; Có lòng nhiệt tình, trách nhiệm cao trong công tác, một số có năng lực hoạt động ,yêu nghề, mến trẻ, gắn bó với học sinh, mong muốn nhà trường phát triển và có uy tín cao đối với học sinh, phụ huynh.
1.1.4. Điểm yếu:
- Hơn 1/3 đời sống kinh tế của nhân dân còn thiếu thốn, phụ huynh ít có điều kiện quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của học sinh, hầu như khoán trắng cho nhà trường;
- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên: Trình độ năng lực công tác chưa được đồng đều, một bộ phận nhỏ giáo viên năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm còn hạn chế, đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả chưa cao;
- Học sinh: Sĩ số học sinh trong những năm gần đây có chiều hướng giảm.
- Cơ sở vật chất - kỹ thuật cơ bản cho dạy và học, chưa đủ phòng thực hành bộ môn, trang bị bên trong còn thiếu nhiều. Nhiều thiết bị đã cũ kĩ, hư hỏng.
1.2. Môi trường bên ngoài:
1.2.1. Thời cơ:
- Đội ngũ cán bộ giáo viên trẻ, yên tâm công tác, có lập trường bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm khá tốt;
- Là trường đào tạo học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới;
- Nhà trường có truyền thống xây dựng các hoạt động phong trào thi đua yêu nước và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục;
- Là trường có uy tín đối với học sinh, phụ huynh và nhân dân.
1.2.2. Thách thức:
- Chất lượng giáo dục đào tạo đòi hỏi ngày càng cao, Cơ sở vật chất - kỹ thuật đòi hỏi phải đầy đủ, hiện đại, phù hợp đổi mới nội dung chương trình giáo dục trong tình hình mới;
- Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên, công nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập Quốc tế, thế giới 4.0.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, khả năng làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự học tự bồi dưỡng, tự vươn lên của cán bộ giáo viên, nhân viên.
1.2.3. Các vấn đề ưu tiên:
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, chú trọng bồi dưỡng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống và năng lực công tác;
- Xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với mục tiêu giáo dục đào tạo;
- Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của mỗi học sinh, xây dựng nền nếp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo;
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và công tác quản lý;
- Giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh, giáo dục ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và cộng đồng;
- Thực hiện nghiêm túc đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục theo chu kỳ và áp dụng các chuẩn vào việc đánh giá hoạt động của nhà trường, của Ban giám hiệu và giáo viên, học sinh.
III. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC:
1. Tầm nhìn:
- Từ năm 2020-2025: Giáo dục học sinh có động cơ, thái độ học tập đúng đắn, có tinh thần trách nhiệm, tự trọng, có năng lực tư duy độc lập, phấn đấu học tập suốt đời.
- Từ năm 2025-2030: Là nơi đáng tin cậy về chất lượng giáo dục – Nơi ươm mầm những ước mơ làm chủ tương lai, luôn khác vọng học tập suốt đời, biết tư duy và sáng tạo, thích ứng với thời đại mới để sẵn sáng xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
2. Sứ mệnh:
Xây dựng môi trường học tập kỉ cương, nề nếp, chất lượng, phát huy tính tư duy, sáng tạo, tính đoàn kết, trung thực, thân ái, khát vọng vươn lên, biết ứng xử tốt với mọi tình huống trong cuộc sống tương lai.
3. Những giá trị cơ bản của nhà trường:
Tạo dựng môi trường học tập “Đoàn kết, trách nhiệm, thân thiện, hợp tác, sáng tạo, hiệu quả”.
IV. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG
1. Mục tiêu chung:
Tiếp tục xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục toàn diện, có cơ sở vật chất - kỹ thuật tốt.
Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, phấn đấu đạt danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II.
Nhà trường trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo của địa phương, phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, làm nòng cốt cho chất lượng mũi nhọn cho các trường THPT và tạo điều kiện cho học sinh thi vào các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
“Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền xã, xây dựng Đảng bộ và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Xây dựng xã Phong Thu đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng đô thị, góp phần xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã”. “Huy động trẻ em đến trường đạt chỉ tiêu đề ra, thực hiện tốt phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng sống và nêu cao ý thức trách nhiệm của học sinh. Nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục”.
(Trích Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phong Thu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025)
2. Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2020 đến 2025:
+ Đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên:
+ Tổng số CBGVNV dự kiến 48 người.
Cán bộ quản lý: 100% cán bộ quản lý có trình độ đại học, trình độ trung cấp lý luận chính trị, trung cấp quản lý giáo dục trở lên.
Giáo viên: Có 100% giáo viên đạt trình độ đại học; 100% giáo viên có tay nghề chuyên môn khá - giỏi;
100% CBGVNV ứng dụng thành thạo CNTT phục vụ tốt cho công tác giáo dục, quản lý, giảng dạy.
+ Học sinh:
Quy mô: Lớp học: 16 - 18 lớp.
Học sinh: 390 - 450.
Chất lượng giáo dục: Có 100% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục thi vào học các trường THPT, vào học các trường chuyên nghiệp, đào tạo nghề, các em biết hình thành thói quen và phương pháp học tập độc lập, sáng tạo, kỹ năng tự chủ trong cuộc sống …
Học sinh học lực giỏi 20 - 30%, Học sinh học lực khá 40 - 45%.
Học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện: 5- 10 em/ năm, cấp tỉnh 1- 3 em/năm; đạt giải các hội thi, giao lưu cấp huyện: 20- 40 em/năm, cấp tỉnh: 3- 5 em/năm
Chất lượng hạnh kiểm: 98% hạnh kiểm khá, tốt.
Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS: 100%.
Có 100% học sinh được học nghề phổ thông.
Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động Đoàn Đội và các hoạt động xã hội, từ thiện…
+ Kiểm định chất lượng giáo dục: Hoàn thành hồ sơ tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục và đăng ký đánh giá ngoài theo chuẩn mới của Thông tư 18/2018.
+ Cơ sở vật chất:
Tiếp tục khai thác tốt cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện có, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, công tác xã hội hóa giáo dục, có đủ các phòng thực hành bộ môn, mua sắm thêm trang thiết bị dạy học hiện đại, tài liệu tham khảo, giảng dạy, nâng cấp phòng y tế, kho, trực bảo vệ… đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời kỳ đổi mới.
- Giai đoạn 2025 đến 2030:
+ Đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên:
+ Tổng số CBGVNV dự kiến 48 người
Cán bộ quản lý: 100% cán bộ quản lý có trình độ đại học, trình độ trung cấp lý luận chính trị, trung cấp quản lý giáo dục trở lên.
Giáo viên: Có 100% giáo viên đạt trình đại học; 100% giáo viên có tay nghề chuyên môn khá - giỏi;
100% CBGVNV ứng dụng thành thạo CNTT phục vụ tốt cho công tác giáo dục, quản lý, giảng dạy.
+ Học sinh:
Quy mô: Lớp học: 16 - 18 lớp.
Học sinh: 390 - 450.
Chất lượng giáo dục: Có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chuyển cấp vào lớp 6, học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục thi vào học các trường THPT, vào học các trường chuyên nghiệp, đào tạo nghề, các em biết hình thành thói quen và phương pháp học tập độc lập, sáng tạo, kỹ năng tự chủ trong cuộc sống …
Học sinh học lực giỏi 25- 30%, Học sinh học lực khá 45- 50%.
Học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện 10- 15 em/ năm, cấp tỉnh 4 - 6 em.
Chất lượng hạnh kiểm: 99% hạnh kiểm khá, tốt.
Học sinh tốt nghiệp THCS: 100%.
Có 100% học sinh được học nghề phổ thông.
Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động đoàn đội và các hoạt động xã hội, từ thiện…
+ Kiểm định chất lượng giáo dục:
Xây dựng trường Đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
+ Cơ sở vật chất:
Tiếp tục khai thác tốt cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện có, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng mới công trình vệ sinh, nhà đa năng, lát gạch terrazo sân trường, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời kỳ đổi mới.
V. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:
1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hóa:
Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động sinh hoạt, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn, giúp học sinh có được những kỹ năng sống tốt, trở thành những ngưới công dân có ích.
Người phụ trách: Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng phụ trách tổ chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn.
2. Xây dựng và phát triển đội ngũ:
Xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức lối sống lành mạnh, có năng lực chuyên môn khá giỏi, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với trường, thương yêu học sinh, hợp tác giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, xứng đáng là tấm gương về đạo đức, tự học, sáng tạo để học sinh noi theo.
Người phụ trách: Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên.
3. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục:
Khai thác có hiệu quả điều kiện cơ sở vật chất đồng thời tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất thiết bị giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ đổi mới.
Người phụ trách: Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và kế toán, nhân viên thư viện, thiết bị, y tế, văn phòng.
4. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin:
Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, xây dựng thư viện điện tử, trang bị các phần mềm về quản lý, sử dụng trang Thông tin điện tử nhà trường khai thác dữ liệu cũng như kế hoạch công tác, hội họp… góp phần nâng cao chất lượng quản lý dạy và học.
Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng, hội đồng chuyên môn, nhóm công tác công nghệ thông tin.
5. Huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục.
Xây dựng nhà trường văn hóa, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ giáo viên, nhân viên.
Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia phát triển nhà trường.
- Nguồn tài chính
+ Ngân sách nhà nước: Thực hiện theo kế hoạch dự toán NS hàng năm;
+ Ngoài ngân sách: Xã hội, cơ quan doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cá nhân, cha mẹ học sinh.
- Nguồn lực vật chất:
+ Khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng làm việc, hoạt động thể dục thể thao và các công trình phụ trợ khác.
+ Trang thiết bị giảng dạy, công nghệ phục vụ dạy và học.
Người phụ trách: Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh.
6. Xây dựng thương hiệu:
Xây dựng thương hiệu và tín nhiệm của xã hội đối vối nhà trường.
Xác lập tín nhiệm, thương hiệu đối với trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Xây dựng truyền thống nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng thương hiệu nhà trường.
VI. TỔ CHỨC THEO DÕI KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Triển khai, phổ biến kế hoạch:
Kế hoạch được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.
2. Tổ chức: Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược và bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược có thể điều chỉnh kế hoạch sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.
3. Quá trình thực hiện:
Từ năm 2020 đến 2025: Tiếp tục đưa các hoạt động nhà trường đi vào nền nếp kỷ cương và hình thành những yếu tố mới tạo nên một nhà trường có chất lượng giáo dục tốt.
Từ năm 2025 đến 2030: Xác lập thương hiệu trường TH&THCS Lê Văn Miến là trường tiên tiến xuất sắc, có chất lượng giáo dục cao đáp ứng được yêu cầu xã hội, mỗi học sinh được phát triển năng lực cá nhân và tư duy độc lập sáng tạo.
(1) Đối với Hiệu trưởng: Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường, thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học.
(2) Đối với Phó Hiệu trưởng: Căn cứ nhiệm vụ được phân công giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.
(3) Đối với các tổ trưởng chuyên môn: Tổ chức thực hiện kế hoạch của tổ, kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên, tìm hiểu nguyên nhân đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch chiến lược.
(4) Đối với cá nhân, cán bộ, giáo viên, nhân viên: Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học, đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện kế hoạch cho những năm tiếp theo.
Nơi nhận: HIỆU TRƯỞNG
- Phòng GD&ĐT huyện (phê duyệt);
- UBND xã Phong Thu ((phê duyệt);
- Niêm yết (bảng thông báo, website);
- Lưu VT.
Hoàng Hữu Hiền
PHẦN PHÊ DUYỆT CỦA CÁC CẤP LÃNH ĐẠO |
|
UBND XÃ PHONG THU
|
PHÒNG GD&ĐT PHONG ĐIỀN
|
Bản quyền thuộc TH &THCS Lê Văn Miến
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thcs-lvmien.phongdien.thuathienhue.edu.vn/