In trang

CÔNG VĂN TRIỂN KHAI DẠY HỌC KIỂM TRA
Cập nhật lúc : 14:27 06/02/2015

UBND HUYỆN PHONG ĐIỀN              CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO               Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 04/PGDĐT-THCS

                                                      Phong Điền, ngày 08 tháng 01 năm 2015

V/v tổ chức triển khai dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Kính gửi: Các trường Trung học cơ sở trực thuộc.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành tập huấn dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên THCS các trường trực thuộc (riêng môn Toán và Vật lý sẽ tập huấn vào ngày 14/01/2015). Căn cứ Công văn số 16/ SGDĐT-GDTrH ngày 05 tháng 01 năm 2015 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức triển khai dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường THCS trực thuộc thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Trên cơ sở phân phối chương trình của Phòng đã ban hành trong năm học 2012 - 2013 và phân phối chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo ở các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ học kỳ II của năm học 2014-2015 nhằm định hướng phát triển năng lực học sinh trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng.

2. Xây dựng Kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh của mỗi tổ/nhóm phải phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh theo tinh thần hướng dẫn số 791/HD-BDGĐT ngày 25/06/2013 của Bộ GD&ĐT.

3. Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được trường phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên thiết kế bài giảng ngắn gọn, sắp xếp hợp lý hoạt động của giáo viên và học sinh, đầy đủ các bước lên lớp theo quy định. Ở mỗi bài học trên cơ sở chuẩn kiến thức, kĩ năng cần xác định rõ các năng lực cần đạt để từ đó xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với đối tượng học sinh và nội dung bài học, tăng cường các loại câu hỏi kích thích tư duy để phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo cũng như các năng lực của học sinh trong quá trình học tập. Khuyến khích giáo viên trong việc thiết kế bài dạy, tiết dạy có tính sáng tạo. Bám sát các yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng, các năng lực cần đạt đã xác định để làm nổi bật trọng tâm tiết dạy và thể hiện rõ việc đổi mới phương pháp dạy học theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đối với các giáo án của tiết dạy này, trong phần Mục tiêu bài dạy, giáo viên phải xác định rõ trọng tâm kiến thức, kỹ năng, thái độ và các năng lực cần đạt; phần dạy bài mới phải thể hiện rõ các hoạt động của giờ dạy (gồm công việc cụ thể của giáo viên, học sinh) và các yêu cầu cần đạt; nêu rõ những yêu cầu thật cụ thể đối với giáo viên và học sinh để chuẩn bị cho bài học, các công việc cần làm ở nhà; phần Rút kinh nghiệm sau tiết dạy ghi rõ những điều đã hoặc chưa làm được để phát huy và khắc phục ở lần dạy sau, phân tiết phải hợp lý. Tóm lại, mục đích cuối cùng là học sinh đạt được mục tiêu bài học trên tất cả các mặt kiến thức, kỹ năng và thái độ và phát huy được các năng lực trong quá trình học tập.

4. Việc soạn giảng theo định hướng phát triển năng lực học sinh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đổi mới sinh hoạt của tổ/nhóm chuyên môn, đánh giá giáo viên định kỳ và được thể hiện trong giáo án của giáo viên.

5. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng xây dựng tiết học thân thiện, dạy học phân hoá, phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên, chú ý phân loại các mức độ trong quá trình giảng dạy, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất. Cần tăng cường liên hệ thực tế cuộc sống và sản xuất. Tăng cường sử dụng hợp lý, khai thác tối đa các thiết bị dạy học tự làm và được trang bị, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho bài giảng nhưng không lạm dụng, sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, tư liệu dạy học điện tử.

6. Thực hiện việc giảng dạy kết hợp với hướng dẫn ôn tập trong suốt thời gian của năm học (tuần, chương, tháng, học kỳ), xây dựng và hoàn thiện đề cương ôn tập ngay trong học kỳ I. Đối với khối lớp cuối cấp, các tổ/nhóm chuyên môn cần rút kinh nghiệm của năm học trước để điều chỉnh lại kế hoạch ôn tập và đề cương ôn tập theo từng giai đoạn cụ thể, nội dung cụ thể và phân loại mức độ kiến thức ngay trong đề cương ôn tập sao cho phù hợp với tình hình của trường và đối tượng học sinh của trường.

7. Nghiêm túc thực hiện việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, học kỳ cho các lớp và được thống nhất thực hiện chung cho cả tổ/nhóm chuyên môn của trường. Khâu chấm, trả bài kiểm tra phải đúng thời gian, tránh tình trạng giữ bài làm của học sinh quá lâu. Khi chấm bài cần chú ý nêu rõ ưu, khuyết điểm của học sinh khi làm bài. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.

8. Khuyến khích các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên áp dụng quy trình biên soạn câu hỏi/bài tập KTĐG theo định hướng phát triển năng lực cho các chủ đề trong chương trình, tạo ra các bộ câu hỏi/bài tập KTĐG trong quá trình dạy học cho mỗi chủ đề theo các mức độ đã mô tả để bổ sung cho thư viện câu hỏi của trường. Tăng cường xây dựng "Nguồn học liệu mở" (thư viện) câu hỏi, bài tập, đề thi, kế hoạch bài dạy, tài liệu tham khảo có chất lượng trên website của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ http://giaoducphothong.edu.vn/. Chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên tích cực tham gia Diễn đàn trên mạng http://danhgia.truonghocao.edu.vn/ về đổi mới KTĐG theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

9. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức thực hiện bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên thông qua dự giờ đồng nghiệp, sinh hoạt tổ nhóm và sinh hoạt 03 cụm chuyên môn với trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả trong đổi mới KTĐG, tháo gỡ khó khăn trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn, công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi. 10. Công tác sinh hoạt tổ chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học được tổ chức như một chuyên đề thông qua tiết dạy. Các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học, kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học định hướng phát triển năng lực học sinh. Các tiết dạy này không đánh giá xếp loại giáo viên, chủ yếu trao đổi với nhau về phương pháp truyền đạt của giáo viên, đánh giá hành vi, thái độ của học sinh thông qua tiết dạy. Nhận được công văn này, Phòng GD&ĐT yêu cầu các các trường THCS trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện ngày từ học kỳ II năm học 2014-2015./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Website Phòng;

- Lưu: VT, CM.

                                                                       K.T TRƯỞNG PHÒNG PHÓ

                                                                              TRƯỞNG PHÒNG

                                                                            Nguyễn Quang Thận