Tin tức
QUY CHẾ DÂN CHỦ NĂM HỌC 2018- 2019
PHÒNG GD&ĐT PHONG ĐIỀN TRƯỜNG THCS LÊ VĂN MIẾN Số: 01/QCDC-THCSLVM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Phong Điền, ngày 27 tháng 9 năm 2018 |
QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/QĐ-THCS ngày 27 tháng 9 năm 2018
của Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Miến)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhà trường, tổ chức có liên quan:
a) Dân chủ trong nội bộ nhà trường bao gồm: trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của nhà trường; những việc phải công khai để cán bộ, giáo viên, nhân viên biết; những việc cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia ý kiến, Hiệu trưởng nhà trường quyết định; những việc cán bộ, giáo viên, nhân viên giám sát, kiểm tra;
b) Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, đơn vị, tổ chức có liên quan bao gồm: trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, đơn vị, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa Hiệu trưởng nhà trường với cấp trên và với cấp dưới.
2. Quy chế này áp dụng đối với viên chức theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong nhà trường, có trong danh sách trả lương và là đoàn viên công đoàn của nhà trường.
Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường
1. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, nhân viên và nâng cao trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường.
2. Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước.
3. Phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
Điều 3. Yêu cầu của việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường
1. Thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường phải gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của chi bộ Đảng ở nhà trường; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của Hiệu trưởng nhà trường và của các tổ chức đoàn thể quần chúng của nhà trường.
2. Dân chủ trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, giáo viên, nhân viên và quyền làm chủ của nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường.
Chương II
DÂN CHỦ TRONG NỘI BỘ NHÀ TRƯỜNG
Mục 1: TRÁCH NHIỆM CỦA HIỆU TRƯỞNG NHÀ TRƯỜNG VÀ CỦA CÁN BỘ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN.
Điều 4. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường
1. Thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của nhà trường; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên.
2. Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hàng tháng, hàng quý và 6 tháng để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện trong thời gian tới của nhà trường. Cuối năm, Hiệu trưởng nhà trường phải tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động của nhà trường tại hội nghị cán bộ, giáo viên, nhân viên quy định tại Điều 5 Nghị định số .
3. Tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc thẩm quyền quản lý theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 45 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và Điều 37 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
4. Lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Khi cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký được gặp và có nội dung, lý do cụ thể thì bố trí thời gian thích hợp để gặp và trao đổi.
5. Thông báo công khai để cán bộ, giáo viên, nhân viên biết những việc được quy định tại Điều 7 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP.
6. Ban hành quy chế quản lý trang thiết bị làm việc trong nhà trường bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; sử dụng tiết kiệm kinh phí được cấp; thực hiện các quy định về công khai tài chính. Việc mua sắm thiết bị, phương tiện và các tài sản của nhà trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; xử lý và tạo điều kiện để đơn vị, tổ chức có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong nhà trường thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
8. Chỉ đạo việc cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, tài liệu, cách thức tổ chức thực hiện, trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình những nội dung công việc trong nhà trường quy định tại Điều 7, Điều 9 của Nghị định 04/2015/NĐ-CP, trừ những tài liệu mật theo quy định của pháp luật.
9. Xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, giáo viên, nhân viên và kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân trường học; kịp thời báo cáo với các cấp có thẩm quyền những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
10. Kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, giáo viên, nhân viên, Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức
1. Hiệu trưởng nhà trường chủ trì, phối hợp với Công đoàn nhà trường tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường mỗi năm một lần vào đầu năm học. Khi có một phần ba cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường hoặc Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường yêu cầu hoặc Hiệu trưởng nhà trường thấy cần thiết thì triệu tập hội nghị cán bộ, giáo viên, nhân viên, của nhà trường bất thường. Thành phần dự hội nghị bao gồm toàn thể hoặc đại biểu cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường.
2. Nội dung của hội nghị, gồm:
a) Kiểm điểm việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trước đó và những quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường; đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch công tác hàng năm; thảo luận, bàn biện pháp thực hiện kế hoạch công tác năm tới của nhà trường;
b) Hiệu trưởng nhà trường lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình của cán bộ, giáo viên, nhân viên; giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, giáo viên, nhân viên;
c) Thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường; phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua giữa Hiệu trưởng nhà trường với tổ chức công đoàn;
d) Bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường;
đ) Ban Thanh tra nhân dân của nhà trường báo cáo công tác; bầu Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật;
e) Khen thưởng cá nhân, tập thể của nhà trường có thành tích trong công tác.
Điều 6. Trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên
1. Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của nhà trường; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người phụ trách trực tiếp và trước Hiệu trưởng trong nhà trường về việc thi hành nhiệm vụ của mình. Trong khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, giáo viên, nhân viên được trình bày ý kiến, đề xuất việc giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình khác với ý kiến của người phụ trách trực tiếp, nhưng vẫn phải chấp hành sự chỉ đạo và hướng dẫn của người phụ trách trực tiếp, đồng thời có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Đối với viên chức được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật, được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
3. Thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, có giải pháp sửa chữa khuyết điểm; thẳng thắn đóng góp ý kiến để xây dựng nội bộ nhà trường trong sạch, vững mạnh.
4. Đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản, đề án của nhà trường khi được yêu cầu.
5. Báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của nhà trường.
Mục 2: NHỮNG VIỆC PHẢI CÔNG KHAI ĐỂ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC BIẾT
Điều 7. Những việc phải công khai
1. Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của nhà trường.
2. Kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của nhà trường.
3. Kinh phí hoạt động hàng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; quyết toán kinh phí hàng năm của nhà trường; tài sản, trang thiết bị của nhà trường; kết quả kiểm toán.
4. Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức; đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên; các đề án, dự án và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của nhà trường.
5. Các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong nhà trường đã được kết luận; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật.
6. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nhà trường.
7. Các nội quy, quy chế của nhà trường.
8. Kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hiệu trưởng nhà trường đưa ra lấy ý kiến cán bộ, giáo viên, nhân viên quy định tại Điều 9 của Nghị định Nghị định 04/2015/NĐ-CP.
9. Văn bản chỉ đạo, điều hành của nhà trường quản lý cấp trên liên quan đến công việc của nhà trường.
Điều 8. Hình thức và thời gian công khai
1. Hình thức công khai
Căn cứ vào đặc điểm, tính chất hoạt động và nội dung phải công khai, các nhà trường áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:
a) Niêm yết tại nhà trường;
b) Thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức nhà trường;
c) Thông báo bằng văn bản gửi toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên;
d) Thông báo cho người phụ trách các bộ phận của nhà trường và yêu cầu họ thông báo đến cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc trong các bộ phận đó;
đ) Thông báo bằng văn bản đến cấp ủy trực tiếp, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường;
e) Đăng trên trang thông tin nội bộ của nhà trường.
2. Thời hạn công khai chậm nhất là 03 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt không quá 05 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành hoặc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan cấp trên, trừ những tài liệu mật theo quy định của pháp luật. Đối với văn bản niêm yết tại nhà trường thì phải thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết.
Mục 3: NHỮNG VIỆC CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THAM GIA Ý KIẾN, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU NHÀ TRƯỜNG, ĐƠN VỊ QUYẾT ĐỊNH
Điều 9. Những việc cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia ý kiến
1. Chủ trương, giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của nhà trường.
2. Kế hoạch công tác hàng năm của nhà trường.
3. Tổ chức phong trào thi đua của nhà trường.
4. Báo cáo sơ kết, tổng kết của nhà trường.
5. Các biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
6. Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhân viên; bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, giáo viên, nhân viên.
7. Thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, giáo viên, nhân viên.
8. Các nội quy, quy chế của nhà trường.
Điều 10. Hình thức tham gia ý kiến
1. Cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia ý kiến trực tiếp hoặc tham gia ý kiến thông qua người đại diện với Hiệu trưởng nhà trường.
2. Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường.
3. Phát phiếu hỏi ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo văn bản để cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia ý kiến.
Mục 4: NHỮNG VIỆC CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIÁM SÁT, KIỂM TRA
Điều 11. Những việc cán bộ, giáo viên, nhân viên giám sát, kiểm tra
1. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kế hoạch công tác hàng năm của nhà trường.
2. Sử dụng kinh phí hoạt động, chấp hành chính sách, chế độ quản lý và sử dụng tài sản của nhà trường.
3. Thực hiện các nội quy, quy chế của nhà trường.
4. Thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước về quyền và lợi ích của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nhà trường.
Điều 12. Hình thức giám sát, kiểm tra
Nhà trường tổ chức để cán bộ, giáo viên, nhân viên giám sát, kiểm tra thông qua ba hình thức giám sát, kiểm tra sau đây:
1. Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân của nhà trường.
2. Thông qua kiểm điểm công tác, tự phê bình và phê bình trong các cuộc họp định kỳ của nhà trường.
3. Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường.
Chương III
DÂN CHỦ TRONG QUAN HỆ VÀ GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC VỚI CÔNG DÂN, ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN
Điều 13. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường
1. Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc niêm yết công khai tại nơi làm việc và đăng tải trên trang thông tin điện tử của nhà trường để công dân, tổ chức (sau đây gọi chung là công dân, tổ chức) biết các nội dung sau:
a) Bộ phận chịu trách nhiệm giải quyết công việc có liên quan;
b) Thủ tục hành chính giải quyết công việc;
c) Mẫu đơn từ, hồ sơ cho từng loại công việc;
d) Phí, lệ phí theo quy định;
đ) Thời gian giải quyết từng loại công việc.
2. Chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức; kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, giáo viên, nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
3. Chỉ đạo việc bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý; chỉ đạo người phụ trách công tác văn phòng của nhà trường cùng đại diện Ban Thanh tra nhân dân của nhà trường hàng tuần mở hòm thư góp ý, nghiên cứu và đề xuất giải quyết các ý kiến góp ý được gửi đến, báo cáo Hiệu trưởng nhà trường để đề ra những biện pháp hợp lý nhằm tiếp thu và giải quyết các ý kiến góp ý.
4. Thông báo để công dân, tổ chức của địa phương biết và tham gia đóng góp ý kiến đối với những chương trình, dự án do nhà trường xây dựng hoặc tổ chức thực hiện có liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
5. Cử người có trách nhiệm gặp và giải quyết công việc có liên quan khi công dân, tổ chức có yêu cầu theo quy định của pháp luật; những kiến nghị, phản ánh, phê bình của công dân, tổ chức phải được nghiên cứu và xử lý kịp thời.
Điều 14. Trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên
1. Chỉ được tiếp nhận tài liệu và giải quyết công việc của công dân, tổ chức tại trụ sở làm việc của nhà trường; bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác và bí mật thông tin về người tố cáo theo quy định của pháp luật.
2. Khi công dân, tổ chức có yêu cầu, cán bộ, giáo viên, nhân viên có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền. Những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải thông báo để công dân, tổ chức biết và hướng dẫn công dân, tổ chức đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Cán bộ, giáo viên, nhân viên không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
3. Công việc của công dân, tổ chức phải được cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiên cứu xử lý và kịp thời giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của nhà trường.
4. Những công việc đã có thời hạn giải quyết theo quy định thì cán bộ, giáo viên, nhân viên phải chấp hành đúng thời hạn đó. Trường hợp phức tạp đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu giải quyết thì cán bộ, giáo viên, nhân viên có trách nhiệm báo cáo người phụ trách trực tiếp và kịp thời thông báo cho công dân, tổ chức biết.
Điều 15. Quan hệ giữa Hiệu trưởng nhà trường với cấp trên
1. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì Hiệu trưởng phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
2. Phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; kiến nghị cấp trên những vấn đề không phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung trong các chế độ, chính sách, các quy định của pháp luật và trong chỉ đạo, điều hành của cấp trên.
3. Tham gia đóng góp ý kiến, phê bình đối với hoạt động của cấp trên; có trách nhiệm nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo về chế độ, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật do cấp trên yêu cầu.
4. Báo cáo cấp trên tình hình công tác của nhà trường theo quy định; đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết thì phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Nội dung báo cáo lên cấp trên phải khách quan, trung thực.
Điều 16. Quan hệ giữa Hiệu trưởng nhà trường với cấp dưới
1. Thông báo cho cấp dưới những chủ trương, chính sách của Đảng và các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động và phạm vi trách nhiệm của cấp dưới; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của cấp dưới và chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật của cấp dưới nếu những hành vi vi phạm này có nguyên nhân từ sự chỉ đạo, hướng dẫn của mình.
2. Nghiên cứu, kịp thời giải quyết các kiến nghị của dưới; định kỳ làm việc với cấp dưới. Khi cấp dưới đăng ký làm việc thì phải trả lời cụ thể việc tiếp và làm việc.
3. Khi cần thiết, phải cử đại diện lãnh đạo gặp cấp dưới để trao đổi, nghiên cứu, giải quyết những vấn đề cụ thể của cấp dưới; phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ, giáo viên, nhân viên báo cáo, phản ánh sai sự thật, không trung thực.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ năm học 2018-2019.
2. Quy chế này thay thế Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường năm học 2017-2018.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
Hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này./.
Nơi nhận: - Lãnh đạo trường, các tổ trưởng; - Đăng tải trên web của trường; - Lưu: VT, CM.
|
CHỦ TỊCH CĐCS |
HIỆU TRƯỞNG |
|
|
|
Hoàng Công Dưỡng |
Lê Văn Dực |
Số lượt xem : 88
Chưa có bình luận nào cho bài viết này