Tin tức
QUY CHẾ DÂN CHỦ NĂM HỌC 2017 - 2018
PHÒNG GD&ĐT PHONG ĐIỀN TRƯỜNG THCS LÊ VĂN MIẾN
|
CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯ Phong Thu, ngày 28 tháng 9 năm 2017 |
QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ
Căn cứ vào chỉ thị 30-CT/TW ngày 18 tháng 02 năm 1998 của Bộ Chính trị về xây dựng thực hiện “Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan ban ngành”;
Căn cứ nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 09 năm 1998 và Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan và quyết định số 04/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 01 tháng 03 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường. Chi bộ, Ban Giám Hiệu, Công Đoàn trường THCS Lê Văn Miến xây dựng quy chế thực hiên dân chủ của đơn vị như sau: Quy chế gồm: 4 chương 41 điều
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của trường nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, góp phần xây dựng trường trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất, năng lực, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước, ngăn chặn và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu học sinh và phụ huynh;
Điều 2. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ công chức gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện chế độ thủ trưởng và phát huy vai trò của tổ chức, đoàn thể quần chúng;
Điều 3. Dân chủ trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật: Phát huy dân chủ, đồng thời kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm hiến pháp, pháp luật và xâm phạm quyền tự do của nhân dân, cản trở việc thi hành công vụ ở cơ quan, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của nhà trường;
- Quy chế này quy định những nội dung liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường;
CHƯƠNG II
DÂN CHỦ TRONG NỘI BỘ NHÀ TRƯỜNG
Mục 1. Trách nhiệm của Hiệu trưởng
Điều 4. Hiệu trưởng quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về toàn bộ hoạt động của cơ quan và về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức thuộc quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Tại cuộc họp liên tịch hàng kỳ, Hiệu trưởng đánh giá việc thực hiện công việc thời gian qua, lắng nghe đóng góp ý kiến của cán bộ công chức và định ra những công việc chủ yếu phải giải quyết trong thời gian tới của cơ quan ít nhất 1 tháng một lần, trong sơ kết học kỳ hoặc tổng kết năm học Hiệu trưởng có trách nhiệm đánh giá công tác của cơ quan và các bộ phận trong cơ quan, chỉ rõ và đề ra các giải pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu (học sinh, cha mẹ học sinh) và những yếu kém trong việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch pháp luật, chính sách, chế độ, nội quy, quy chế của cơ quan.
Điều 6. Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan về các mặt tư tưởng, phẩm chất đạo đức và sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực.
Điều 7. Theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng năm Hiệu trưởng thực hiện việc đánh giá đối với viên chức; đánh giá chuẩn giáo viên thuộc quyền quản lý và chỉ đạo người phụ trách các tổ chuyên môn, bộ phận, trong nhà trường đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức do mình phụ trách;
Việc đánh giá định kỳ hàng năm đối với cán bộ, công chức được tiến hành như sau:
1. Cán bộ, công chức, viên chức viết bản tự nhận xét công tác, bao gồm các nội dung:
- Chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Những công việc cụ thể đã được thực hiện trong năm, đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc đó, viên chức quản lý còn phải đánh giá việc lãnh đạo tập thể của mình trong năm
- Phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỹ luật, tính trung thực trong công tác
- Quan hệ phối hợp trong công tác
2. Tập thể nơi viên chức làm việc (tổ chuyên môn) tham gia đóng góp ý kiến vào bản thân mình trong năm;
3. Hiệu trưởng ghi đánh giá định kỳ hàng năm đối với cán bộ, công chức và thông báo trực tiếp cho viên chức biết, viên chức có quyền phát biểu ý kiến với Hiệu trưởng về đánh giá định kỳ hàng năm;
4. Đánh giá định kỳ hàng năm gồm tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên, phiếu đánh giá viên chức được đưa vào hồ sơ cán bộ, công chức do cơ quan quản lý.
Điều 8. Hiệu trưởng phải lắng nghe ý kiến, phản ảnh, phê bình của viên chức và không được có hành vi trù dập đối với viên chức đã góp ý, phê bình mình. Khi viên chức đề nghị được gặp mặt thì Hiệu trưởng tạo điều kiện gặp và trao đổi các vấn đề có liên quan.
Điều 9. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc sử dụng có hiệu quả tài sản của cơ quan, tiết kiệm kinh phí được cấp, thực hiện các quy định về công khai tài chính. Việc mua thiết bị, phương tiện và các tài sản khác mà phải đấu thầu thì phải được thực hiện theo quy định về đấu thầu. Mỗi học kỳ công khai tài chính 1 lần. Việc phân bổ chỉ tiêu có liên quan đến tài chính, biên chế và giải quyết cấp kinh phí bổ sung cho các tổ chuyên môn, bộ phận; tổ chức hữu quan phải thông qua tập thể lãnh đạo cơ quan và theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Hiệu trưởng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, xử lý tham nhũng, xử lý và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng, nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan mình thì bị xử lý theo quy định của pháp luật;
Điều 11. Hiệu trưởng phối hợp với công đoàn cơ quan tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức cơ quan mỗi năm một lần vào đầu năm học. Hội nghị cán bộ, công chức cơ quan bao gồm toàn thể công chức cơ quan. Khi có 2/3 cán bộ, công chức hoặc ban chấp hành công đoàn cơ quan yêu cầu hoặc Hiệu trưởng thấy cần thiết thì triệu tập hội nghị cán bộ, công chức bất thường;
Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của trường có nội dung:
1. Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đánh giá việc thực hiện kế hoạch công tác hàng năm và thảo luận, bàn luận biện pháp thực hiện kế hoạch công tác năm tới của nhà trường;
2. Hiệu trưởng tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của cán bộ, công chức: giải đáp những thắc mắc, đề nghị của cán bộ, công chức;
3. Bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức; thông qua Quy chế dân chủ, Quy chế chi tiêu nội bộ tại Hội nghị;
4. Ban thanh tra nhân dân của nhà trường báo cáo công tác thanh tra năm học trước, bầu ban thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.
5. Tham gia ý kiến về những vấn đề được quy định tại Điều 17 của Quy chế này
6. Khen thưởng cá nhân, tập thể cơ quan có thành tích cao trong công tác.
Mục 2. Trách nhiệm của cán bộ, công chức
Điều 12. Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và không được làm những việc đã bị cấm theo quy định của pháp lệnh công chức;
Cán bộ, công chức, viên chức chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hiệu trưởng về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của mình; có nếp sống lành mạnh trung thực, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư;
Cán bộ, giáo viên, nhân viên phải tuân theo quy định của nhà trường về giờ giấc, trang phục, không hút thuốc trong khu viên nhà trường, quy chế chuyên môn, nề nếp sinh hoạt, luôn trau dồi tác phong, đạo đức không ngừng học tập để luôn xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Điều 13. Trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải phục tùng sự hướng dẫn và chỉ đạo của cấp trên.
Điều 14. Cán bộ, công chức, viên chức phải tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm để không ngừng tiến bộ, phải thẳng thắng phê bình, đấu tranh để xây dựng nội bộ nhà trường trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, kể cả góp ý kiến, phê bình thủ trưởng cơ quan. Khi được yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản, các đề án của nhà trường.
Mục 3. Những việc cán bộ, công chức, học sinh phải được biết
Điều 15. Những việc sau đây phải công khai cho cán bộ, công chức, học sinh được biết:
1. Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của nhà trường, của cán bộ, công chức và học sinh;
2. Kế hoạch công tác hàng năm, hàng tháng, tuần của nhà trường, kể cả kế hoạch tuyển sinh hàng năm;
3. Kinh phí hoạt động hàng năm bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách cấp và nguồn tài chính khác và quyết toán kinh phí hàng năm của nhà trường; những thông tin liên quan đến học tập, rèn luyện, sinh hoạt và các khoản đóng góp quy định và tự nguyện;
4. Tuyển dụng khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương, nâng ngạch và đề bạt cán bộ công chức;
5. Các vụ việc tiêu cực trong nhà trường đã được kết luận;
6. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nhà trường;
Điều 16. Hiệu trưởng có trách nhiệm thông báo cho cán bộ, công chức biết những vấn đề quy định tại Điều 15 trên đây bằng một trong các hình thức:
1. Niêm yết tại nhà trường;
2. Thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức;
3. Thông báo bằng văn bản gửi toàn thể cán bộ, công chức;
4. Thông báo cho người phụ trách các bộ phận, tổ chức của cơ quan và yêu cầu họ thông báo đến cán bộ, công chức làm việc trong các bộ phận, tổ chức đó
5. Thông báo bằng văn bản cho Chi uỷ, Ban chấp hành Công đoàn.
Mục 4. Những việc cán bộ, công chức, học sinh tham gia ý kiến
Hiệu trưởng quyết định
Điều 17. Những việc cán bộ, công chức tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua đại diện trước khi Hiệu trưởng quyết định gồm có:
1. Chủ trương, giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến công việc của nhà trường, về quy trình quản lý, những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, bộ máy trong nhà trường;
2. Kế hoạch công tác hàng năm của nhà trường, kế hoạch phát triển, tuyển sinh và các hoạt động khác, kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, các hoạt động dịch vụ sản xuất của nhà trường;
3. Tổ chức phong trào thi đua, việc tổ chức giảng dạy, học tập có liên quan quyền lợi của giáo viên và học sinh;
4. Báo cáo sơ kết, tổng kết của nhà trường, đánh giá viên chức hàng năm, chuẩn nghề nghiệp giáo viên; chuẩn hiệu trưởng;
5. Các biện pháp cải tiến tổ chức và về lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu dân;
6. Kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đề bạt cán bộ, công chức theo quy định;
7. Thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi và lợi ích của cán bộ, công chức và học sinh;
8. Nội quy, quy chế có liên quan.
Điều 18. Hình thức lấy ý kiến tham gia:
1. Cán bộ, công chức tham gia ý kiến trực tiếp với người phụ trách, với Hiệu trưởng;
2. Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường;
3. Phát biểu, hỏi ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo văn bản để cán bộ, công chức tham gia ý kiến.
Điều 19. Khi quyết định về những vấn đề được nêu tại điều 17 khác với ý kiến tham gia của đa số cán bộ, công chức thì Hiệu trưởng có trách nhiệm thông báo, giải thích lại cho cán bộ, công chức biết.
Mục 5. Những việc cán bộ, công chức giám sát, kiểm tra
Điều 20. Những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra gồm:
1. Thực hiện chủ trương, Chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch công tác hàng năm của nhà trường;
2. Sử dụng kinh phí hoạt động, chấp hành chính sách, chế độ quản lý và sử dụng tài sản của nhà trường;
3. Thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan;
4. Thực hiện các chế độ, chính sách của nhà nước về quyền lợi và lợi ích của cán bộ, công chức;
5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nhà trường.
Điều 21. Việc giám sát, kiểm tra của cán bộ, công chức đối với những vần đề nêu tại Điều 20 trên đây được thực hiện thông qua:
- Ban thanh tra nhân dân, BCH Công đoàn, BCH Đoàn trường;
- Kiểm điểm công tác, phê bình và tự phê bình trong các cuộc sinh hoạt định kỳ của hội đồng sư phạm;
- Hội nghị cán bộ, công chức cơ quan.
Mục 6. Trách nhiệm của nhà trường
Nhà trường có trách nhiệm chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục
Điều 22. Trách nhiệm của nhà trường phổ thông
Hiệu trưởng thực hiện hoặc phân công cho cấp dưới những việc sau đây:
1.Phổ biến ngày từ đầu năm học kế hoạch năm học và những nội dung liên quan đến trách nhiệm của học sinh, nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường.
2. Thông báo công khai những quy định về tuyển sinh, nội quy, quy chế học tập, kết quả thi, tiêu chuẩn đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật;
3. Định kỳ ít nhất một năm học có ba lần: đầu năm học,giữa năm học, cuối năm học; tổ chức hội nghị các bậc cha mẹ của học sinh để thông báo kế hoạch và nhiệm vụ năm học, trách nhiệm của các bậc cha mẹ, sự phối hợp giữa gia đình của học sinh thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh;
4. Giáo viên chủ nhiệm lớp là người đại diện cho nhà trường tổ chức các hoạt động thực hiện dân chủ của lớp mình, thường xuyên tiếp thu và tổng hợp ý kiến của người học và các bậc cha mẹ của người học để phản ánh cho Hiệu trưởng
5. Kịp thời thông báo những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với học sinh, nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường;
6. Đặt hòm thư góp ý hoặc các hình thức góp ý khác để cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường thuận lợi trong việc đóng góp ý kiến;
7. Giải đáp các ý kiến và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo luật định
Mục 7. Trách nhiệm của các bộ phận, Đoàn thể tổ chức trong nhà trường
Điều 23. Trách nhiệm của các bộ phận trong bộ máy quản lý của nhà trường
Phụ trách các bộ phận, tổ trưởng chuyên môn của nhà trường là người đại diện cho bộ phận, tổ chuyên môn có trách nhiệm:
1. Tham mưu, đề xuất những biện pháp giúp Hiệu trưởng thực hiện tốt những quy định của quy chế này;
2. Chấp hành và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động dân chủ trong từng bộ phận và tổ chuyên môn;
3. Thực hiện nghiêm túc lề lối làm việc trong các bộ phận, tổ chuyên môn, giữa các bộ phận, tổ chuyên môn và giữa bộ phận, tổ chuyên môn với nhà trường; thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của bộ phận, tổ chuyên môn và những quy định của luật giáo dục, điều lệ nhà trường.
Điều 24. Trách nhiệm của các đoàn thể, các tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường
1. Phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường
2. Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các đoàn thể, các tổ chức, dân chủ bàn bạc các chủ trương, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường
3. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ, có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của quần chúng, phát hiện những vi phạm quy chế dân chủ trong nhà trường để đề nghị Hiệu trưởng giải quyết. Hiệu trưởng không giải quyết được thì báo cáo lên cấp có thẩm quyền trong ngành theo phân cấp quản lý để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Điều 25. Trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ và ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường
1. Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm tổ chức thu thập ý kiến đóng góp của cha mẹ học sinh để cùng nhà trường giải quyết các vấn đề sau:
- Nội dung, công việc có liên quan đến sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình để giải quyết những việc có liên quan đến học sinh;
- Vận động các bậc cha mẹ học sinh thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ mà học sinh được hưởng hoặc nghĩa vụ phải đóng góp theo quy định;
- Vận động các bậc cha mẹ học sinh thực hiện các hoạt động xã hội hoá giáo dục ở địa phương.
2. Cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh có thể phản ánh, trao đổi, góp ý kiến trực tiếp với nhà trường, với giáo viên hoặc thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh về những vấn đề liên quan đến công tác giáo dục trong nhà trường.
CHƯƠNG III
DÂN CHỦ TRONG QUAN HỆ VÀ GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC
VỚI CÔNG DÂN, CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Mục 1. Quan hệ với công dân, cơ quan, tổ chức
Điều 26. Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc kiểm tra việc niêm yết công khai tại công sở trường học để công dân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là tổ chức) biết:
1. Bộ phận chịu trách nhiệm giải quyết công việc có liên quan;
2. Thủ tục hành chính giải quyết công việc;
3. Mẫu đơn từ, hồ sơ cho từng loại công việc;
4. Phí, lệ phí theo quy định;
5. Thời gian giải quyết từng loại công việc.
Điều 27. Hiệu trưởng chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, công chức trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức, kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, trường học.
Điều 28. Khi công dân, tổ chức yêu cầu cán bộ, công chức có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền. Những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết, cán bộ công chức phải thông báo để công dân, tổ chức biết; Cán bộ, công chức không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc của học sinh, tổ chức;
Điều 29. Cán bộ, công chức không tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân, tổ chức tại nhà riêng
- Công việc của công dân, tổ chức phải được cán bộ, công chức nghiên cứu, xử lý và giải quyết một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất và theo đúng quy định của pháp luật;
- Những công việc đã có thời hạn giải quyết theo quy định thì Cán bộ, công chức phải thi hành đúng thời hạn đó. Trường hợp đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu giải quyết thì Cán bộ, công chức có trách nhiệm thông báo kịp thời cho công dân, tổ chức biết;
- Cán bộ, công chức có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác và bí mật nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Hiệu trưởng chỉ đạo việc bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý. Hàng tuần, người phụ trách công tác hành chính của cơ quan cùng đại diện Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan mở hòm thư, nghiên cứu ý kiến và đề ra những biện pháp hợp lý nhằm tiếp thu và giải quyết các ý kiến góp ý.
Điều 31. Đối với những chương trình, dự án do cơ quan xây dựng hoặc tổ chức thực hiện có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì Hiệu trưởng có trách nhiệm thông báo để công dân, tổ chức địa phương biết, tham gia đóng góp ý kiến;
Khi công dân, tổ chức có yêu cầu, cơ quan phải cử người có trách nhiệm gặp và trách nhiệm giải quyết công việc có liên quan;
Những kiến nghị, phản ánh, phê bình của công dân, tổ chức phải được nghiên cứu và xử lý kịp thời.
Mục 2. Quan hệ với cấp trên
Điều 32. Hiệu trưởng có trách nhiệm phục tùng sự chỉ đạo, hướng dẫn và chấp hành các Quyết định của cơ quan cấp trên.
Nhà trường có quyền phản ánh vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; kiến nghị lên cơ quan cấp trên những vấn đề không phù hợp cần sửa đổi, bổ sung trong các chế độ, chính sách các quy định của Pháp luật và trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên.
Khi có căn cứ để cho là quyết định của cơ quan cấp trên là trái Pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì phải báo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
Điều 33. Nhà trường được quyền tham gia đóng góp ý kiến, phê bình đối với cơ quan cấp trên.
Khi được yêu cầu, cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, tham gia ý kiến các dự thảo về chế độ, chính sách, văn bản, quy phạm pháp luật do cơ quan cấp trên gửi đến.
Điều 34. Nhà trường có trách nhiệm báo cáo tình hình công tác lên cơ quan cấp trên theo quy định; đối với những vấn đề nảy sinh vượt quá khả năng giải quyết thì phải báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
Nội dung báo cáo lên cơ quan cấp trên phải khách quan, trung thực.
Mục 3. Quan hệ với cơ quan cấp dưới
Điều 35. Hiệu trưởng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các bộ phận tổ chức cấp dưới và chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm của họ, nếu những sai lầm, khuyết điểm đó có nguyên nhân từ sự chỉ đạo hướng dẫn của mình;
Phải thông báo cho tổ chức cấp dưới những chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động và phạm vi trách nhiệm của tổ chức cấp dưới.
Điều 36. Hiệu trưởng có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị của tổ chức cấp dưới.
Định kỳ, Hiệu trưởng phải làm việc với các tổ chức, đoàn thể, tổ chuyên môn. Khi các thành phần trên có yêu cầu thì Hiệu trưởng có trách nhiệm tiếp và làm việc.
Hiệu trưởng phải có thái độ khuyến khích những thông tin, báo cáo trung thực, khách quan của tổ chức cấp dưới.
Điều 37. Phải tham khảo ý kiến của các tổ chức, đoàn thể, tổ chuyên môn, trong việc xây dựng chế độ, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Khi cần thiết phải cử cán bộ, công chức đến từng bộ phận để trao đổi, nghiên cứu để giải quyết những vấn đề cụ thể của bộ môn, đoàn thể; phải xử nghiêm khắc những cán bộ, công chức cơ hội, báo cáo, phản ánh sai sự thật, không trung thực.
Điều 38. Việc giải quyết kinh phí, biên chế cho từng bộ phận, đoàn thể phải theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời sát thực tế và thông qua tập thể lãnh đạo nhà trường.
Mục 4. Quan hệ của nhà trường với chính quyền địa phương
Điều 39. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan chính quyền sở tại phối hợp giải quyết những công việc có liên quan đến công tác giáo dục trong nhà trường và chăm lo quyền lợi học tập của học sinh.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 40. Các tổ chức, bộ phận; Cán bộ, công chức thực hiện tốt quy chế này sẽ được khen thưởng; người vi phạm quy chế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 41. Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, Công đoàn, Chi đoàn, Đội TNTPHCM, Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện quy chế này.
Quy chế này được thông qua Hội nghị CB-CC-VC ngày 28 tháng 9 năm 2017./.
Bí thư Chi bộ Hiệu trưởng P.Hiệu trưởng Chủ tịch Công đoàn
Lê Văn Dực Lê Văn Dực Hoàng Văn Đông Hoàng Công Dưỡng
Bí thư Chi đoàn Đội TNTPHCM Tổ Văn, Sử, Địa GDCD Tổ Văn Phòng
Nguyễn Ngọc Nỹ Nguyễn Văn Phong Trần Như Nguyên Trần Hữu Đông Uyên
Tổ Toán, Lý, Hóa, Sinh, Công Nghệ Tổ Tiếng Anh, Â.nhạc, Mỹ thuật, TD, Tin
Nguyễn Thị Tuyết Hằng Hoàng Công Dưỡng
Trưởng ban thanh tra ND
Nguyễn Lương Thiện
Số lượt xem : 73
Chưa có bình luận nào cho bài viết này